Tọa đàm chủ đề về “Năng lượng tái tạo và Năng lượng dòng chảy biển Việt Nam”

Trong thời gian gần đây, năng lượng tái tạo và dòng chảy biển đang nổi lên là những nguồn năng lượng thay thế tiềm năng cho các loại năng lượng truyền thống.

Ngày 4/10/2019, tại trụ sở Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Phòng nghiên cứu môi trường, sinh thái và tài nguyên biển trong khuôn khổ thực hiện Nhiêm vụ thường xuyên năm 2019 đã tổ chức tọa đàm về thực trạng và chính sách về Năng lượng tái tạo, năng lượng biển và Năng lượng dòng chảy (năng lượng hải lưu) tại vùng biển Việt Nam. Buổi tọa đàm có mặt đông đảo các cán bộ cửa Viện từ các phòng ban chuyên môn và khách mời là KS Doãn Mạnh Dũng – Tổng thư ký Hội khoa học kỹ thuật biển Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo thứ nhất của TS Dư Văn Toán về tổng quan chính sách Năng lượng tái tạo biển đã tóm lược chính sách về phát triển năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng biển nói riêng. Đặc biệt trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định ngành kinh tế năng lượng tái tạo biển lần đầu tiên được coi là 1 trong 6 ngành kinh tế biển. Theo thống kê của Tổ chức Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) thì năm 2018, tổng công suất của các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trên toàn thế giới là 2350,5 GW: sinh khối là 115 GW; địa nhiệt là 13 GW; thủy điện là 1171 GW;  năng lượng biển : 0,5 GW; điện mặt trời solar là 486 GW;  gió (trên đất liền và trên biển) là 564 GW. Các nguồn điện từ năng lượng trên biển đã phát điện thành công trên thế giới bao gồm: điện thủy triều hơn 500 MW (Hàn Quốc, 254 MW; Pháp, 240 MW; Canada, 20 MW; Trung Quốc, 11 MW), điện sóng khoảng hơn 30 MW (Scotland, Anh, Bồ, Đào Nha) và điện gió trên biển là 23 GW (Đan Mạch, Anh, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam,..). Các trại điện gió biển tăng mạnh trên toàn cầu (hình 1) với công suất lắp đặt tăng 40 lần năm 2018 so với năm 2010, và đặc biệt từ sau khi có Hiệp định khí hậu Paris năm 2015. Riêng năm 2018, điện gió biển (offshore wind) là 4.49 GW gia tăng 20% so với 2017; trong đó các quốc gia Trung Quốc (1.8 GW), Anh (1.3 GW), Đức (0.9 GW).
Với các nguồn năng lượng tái tạo trên biển khác như mặt trời, sinh khối, dòng chảy, địa nhiệt và OTEC cũng đang được nghiên cứu, triển khai ứng dụng và đưa vào sử dụng phục vụ cuộc sống…

Các chuyên gia trình bày tham luận trong buổi tọa đàm

Báo cáo thứ 2 của KS Doãn Mạnh Dũng về “Năng lượng dòng chảy vùng biển Việt Nam” đã mô tả về Triết lý nghiên cứu tài nguyên năng lượng mới – dòng hải lưu. Nguồn tài nguyên dòng hải lưu ở ven biển miền Trung Việt Nam. Dòng hải lưu tầng mặt do gió Đông Bắc gây ra và các thuyền trưởng Việt Nam đều biết. Còn dòng hải lưu tầng đáy do tác giả tìm ra và chứng minh sự tồn tại của nó. Tác giả tin rằng nguồn năng lượng từ dòng hải lưu của miền Trung Việt Nam tương đương như mỏ dầu của Trung Đông nhưng sạch và không bao giờ cạn. Đặc biệt từ Hòn La (Quảng Bình) đến Kê Gà (Bình Thuận) gồm 11 tỉnh ven biển miền Trung có tiềm năng phát triển Điện hải lưu, góp phần phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho cư dân ven biển. Công nghệ khai thác năng lượng dòng chảy bằng tua-bin mới do tác giả phát minh được gọi là “trống quay”. Tua-bin mới có dáng hình trụ quay quanh chính trục của nó. Trong hình trụ có độ rỗng để nhận lực Ác-si-mét để biến thành con quay tối ưu trong môi trường nước chảy song song với bề mặt của chính nó. Nguyên tắc vận hành của tua-bin là mô-men – có nghĩa là lực nhân với chiều dài cánh tay đòn - nên về lý thuyết tua-bin có thể khai thác khi tốc độ dòng chảy rất nhỏ.Tác giả tin rằng đây là một phát minh hữu ích của Việt Nam đóng góp cho nhân loại. Báo cáo viên đề xuất sẵn sàng giải trình chi tiết hơn với các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách muốn tìm hiểu. Và sẵn sàng làm thí nghệm cho máy chạy trong tự nhiên. Tại Hội nghị tác giả cũng giới thiệu tài liệu của Mỹ và Đài Loan nhận định ở miền Trung Việt Nam có 7 điểm với tiềm năng tốt nhất trong dãy bờ Tây Thái Bình Dương về động năng dòng hải lưu để phát điện.

Các chuyên gia trong tọa đàm đều sôi nổi và đi đến thảo luận về các dạng NLTT như solar, gió, sóng, dòng chảy, triều, OTEC…có tiềm năng cao tại vùng biển Việt Nam, tuy nhiên việc đánh giá tiềm năng lý thuyết, trữ lượng kỹ thuật, giá trị kinh tế các nguồn NL gió, sóng, hải lưu, OTEC,  triều, solar trên biển cần sớm được thực hiện để xây dựng được Bộ cơ sở dữ liệu tin cậy nhằm phục vụ hoạch định chính sách và sử dụng hợp lý tài nguyên năng lượng biển, đặc biệt quan tâm đến khả năng tích hợp đa ngành trong sử dụng không gian biên. Vì vậy trong thời gian tới cần xây dựng các Chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu chi tiết về NLTT biển Việt Nam.

  • 10/9/2019 2:26:48 AM